Thứ Hai, 29 tháng 6, 2009

Thương nhớ Gò Bồi


Gò Bồi bây giờ là một làng quê nông nghiệp, họat động thương mại dịch vụ chủ yếu gói gọn ở một quãng phố chợ dọc bờ sông Gò Bồi. Mấy ai biết rằng hơn trăm năm trước, bên dòng sông này là vùng cảng thị Gò Bồi sầm uất với những dãy phố tấp nập trên bờ, còn dưới sông là cảnh những thương thuyền chen chúc từ khắp nơi đổ về ...


Theo PTS Đỗ Bang (Đại học Huế) thì vào khoảng thế kỷ 16 –17 trên sông Âm Phù (một đọan của sông Kôn, nhánh chảy từ cầu Tân An về cầu Gò Bồi ngày nay) đã hình thành cảng - thị Nước Mặn, đây chính là trung tâm kinh tế của Phủ Quy Nhơn ngày ấy. Khi đó Nước Mặn đã xuất hịên trên những hải đồ mậu dịch của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, được nhiều người mô tả là một đô thị rộng rãi, trù phú xứng đáng là một thành phố (ville) hay một cảng (port). Hành trình hàng hải lúc ấy có lẽ đã đi theo trục: Biển Đông - Vịnh Quy Nhơn – Đầm Thị Nại – ngược sông Gò Bồi lên cảng thị Nước Mặn.

Ngày ấy nếu Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Thừa Thiên - Huế) là thương cảng quốc tế nổi tiếng thì Nước Mặn lại giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu của nền nội thương toàn xứ Đàng Trong và cả một bộ phận không nhỏ kinh tế Đàng Ngòai. Đến thế kỷ 18, phù sa sông Kôn không tải được ra biển đã đọng lại ở dòng sông, đáy sông bị nâng dần lên, tàu thuyền không tiến sâu vào nội địa được và cảng thị Nước Mặn chìm dần vào quên lãng.

Ghe thuyền không lên đến Nước Mặn nhưng nhu cầu hàng hóa vẫn còn, vẫn cần một bến cảng thay thế và Gò Bồi đã hình thành để tiếp nhận luồng thương nghiệp giàu có này. Tuy không còn tầm vóc như Nước Mặn (hầu như không có tàu buôn ngoại quốc vào Gò Bồi) nhưng Gò Bồi vẫn là khu vực mậu dịch nổi tiếng khắp cả nước, và nó tồn tại cho đến quãng đầu những năm 60 của thế kỷ 20 mới chấm dứt.

Trong nhiều thư tịch cổ, Gò Bồi được hình dung như sau: bến sông được xây bằng đá xanh, ghe thuyền cập bến xếp dỡ hàng hóa rất thuận tiện, trên bến có rất nhiều tiệm buôn của người Hoa, người Ấn Độ và cố nhiên là của người Việt. Chợ Gò Bồi vào những ngày chính phiên có rất đông người đến giao dịch, buôn bán, ghe thuyền nhiều tỉnh xa như Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh... cũng về đây ăn hàng. Ông Phan Quán – một cựu dân Gò Bồi kể lại: "Đến quãng những năm 1945-1946 thì Gò Bồi vẫn còn sầm uất lắm, thậm chí quy mô buôn bán giao dịch còn mạnh hơn cả ở Quy Nhơn. Thuyền từ trong Nam Bộ chở ra đây những sản vật miền Nam, ghe bầu của Phan Thiết, Phú Quốc chờ nước bổi, muối ăn ra trao đổi, buôn bán. Dưới bến tàu bè san sát, trên bờ hàng dãy dài tiệm buôn chen chúc cùng những kho vựa hàng hóa. Các hiệu buôn nổi tiếng lúc ấy có: Thạch Thân, Lợi Thêm (tạp hóa), Tú Bốn, Quy Sanh (thuốc Bắc), Văn Long, Tân Việt (buôn bán vàng) ... Ngay từ năm 1959 Gò Bồi đã có hiệu "chớp ảnh" Nhơn Thọ, chủ hiệu sắm được máy phát điện đem về thắp sáng cả một vùng ... ". Bà Huỳnh Thị Đào (Tân Giảng – Phước Hòa) nhớ lại: "Ngày còn trẻ tôi đã chứng kiến cảnh ghe bầu Bình Thuận cỡ lớn dài 20-30 m, đón gió nồm dàn hàng ngang một lần 5-7 chiếc cùng tiến vào cửa sông để ngược lên Gò Bồi. Nên nhớ là cách đây chừng 60-70 năm thuyền buôn hàng trăm tấn còn ngược sông lên đến tận vùng An Thái, Nhơn Khánh kia đấy".

Với vị trí đặc biệt của mình Gò Bồi trở thành trung điểm của các luồng thương mại: Từ Phú Yên ra đến Quảng Ngãi và từ Tây Nguyên xuống đồng bằng miền Trung. Thế rồi dòng sông tiếp tục bị bồi lấp trong khi con người không có nỗ lực nào để khơi dòng, thuyền bè ra vào phải chọn lúc triều cường. Chiến tranh và những biến động của lịch sử sau đó đã khiến Gò Bồi mất đi vị trí của mình. Đến quãng những năm 1960-1964 thì cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền san sát của Gò Bồi chỉ còn trong ký ức của khách thương hồ và trong niềm tiếc nuối của thị dân Gò Bồi ...

Gò Bồi hiện nay chỉ còn là trung tâm của một xã Phước Hòa (Tuy Phước). Tuy nhiên do nằm ở vị trí chiến lược trên tuyến kinh tế mạn Đông Tuy Phước, Phù Cát nên trong tương lai khi hệ thống đường ven biển của tỉnh Bình Định hoàn thành, Gò Bồi sẽ có nhiều cơ may để tìm lại vinh quang xưa.

Đông A - Báo Bình Định http://www.baobinhdinh.com.vn/568/2003/4/2869/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét