Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2009

Bài Chòi

Miền Bắc có làng Quan họ, Bình Định quê tôi có làng Bài chòi - mà Bạn Bầu Dắt ở Gò Bồi (nơi nhà thơ Xuân Diệu lớn lên trong thời thơ ấu) là hình ảnh tiêu biểu mang đậm tính dân gian. Cắc rụp cắc/ Bạn Bầu Dắt/ Xài bạc cắc/ Hát lại hay/ Ai mời cũng tới”.

Đó là câu nói có vần của người dân Bình Định. Người dân quê hễ nghe tiếng trống, tiếng sanh là họ biết ngay có cuộc vui. Họ mê hát bội, bài chòi vì lẽ rất giản đơn: đó là món ăn tinh thần rất gần gũi, mộc mạc như chuyện ăn cơm với cá của dòng sông quê hương. Gò Bồi là tiểu thị trấn ven sông Hà Thanh, tên chữ là Tùng Giản thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. Làng tôi đẹp như cô gái vùng sông nước lặng lẽ, mộc mạc nhưng đầy sức sống, luôn rạo rực một niềm yêu văn nghệ, hát bội, bài chòi. Tình yêu ấy đã thai nghén và sinh ra nhiều hình thái. Tượng trưng nhất là Bạn Bầu Dắt. Đó là gánh bài chòi mang đậm tính dân dã. Nói là gánh hát thì quá to, thật sự họ chỉ là những anh chị em ngư dân, nông dân yêu văn nghệ tự tập họp mà thành. Nếu chỉ nói về phương diện tinh thần, họ xứng đáng tượng trưng cho làng văn nghệ quê tôi - Gò Bồi “làng bài chòi”.

Đó có thể là những người dân sống trong xóm Lò Rèn nghèo nàn mà cả xóm chưa có một mái ngói nào dù nhỏ, toàn là những căn nhà lụp xụp, phải dùng chữ “chòi tranh cột sậy” mới đúng. Thế mà ẩn tàng trong cái nghèo nàn đó, chất văn nghệ ở họ lại rất phong phú, lời ca tiếng nhạc luôn vang vọng. Về đêm, nhất là những đêm trăng, họ tập trung trước nhà “Nghĩa”- là nơi người trong xóm tập họp để bàn bạc việc làng, việc ma chay - trên khoảng sân rộng chừng năm chục mét vuông vừa đủ chỗ cho người trong xóm ngồi họp. Sân hát của Bạn Bầu Dắt đấy! Họ thường hát những khúc dân ca, bài chòi, tập dượt tuồng tích. Cái gánh hát tự phát trông lỏng lẻo nhỏ nhoi là thế mà hầu như đêm nào cũng tổ chức hát, lưu diễn nhiều nơi. Khó mà biết được gánh hát có từ khi nào vì khi lớn lên tôi đã nghe, đã thấy họ diễn tuồng rồi. Phong trào văn nghệ dân gian đó đến nay vẫn còn, có lẽ đã tồn tại khoảng hơn một trăm năm.
Nhà thơ Xuân Diệu - người con của quê hương Gò Bồi - đã viết về bài chòi qua ký ức tuổi thơ mình:“... Và trên đà hồi tưởng, tôi thấy tôi với em tôi chen chúc, nghe hò bài chòi ngày Tết ở làng Văn Quang. Làng nhỏ, chợ nhỏ, đồng bào rất hiền lành, anh hô bài chòi cũng hiền. Khi ở trên các chòi dựng bằng tre, leo kheo, có người trúng “tới” và báo bằng tiếng mõ cốc cốc rằng mình được ván bài, thì anh hô, một tay đỡ cái khay đựng tiền, một chân đá lên làm ngựa, một tay ra hiệu quất roi ngựa trịnh trọng xướng:“Vâng lệnh làng đỡ lấy khay tiền/Lên tráng mã cấp cờ đệ nhất” (hoặc đệ tứ, đệ ngũ...). Theo nhịp trống cắc cụp cắc, trẻ con chúng tôi học mót đoạn được đoạn không...”
Hoặc với câu hát:
Anh nguyện cùng em, chợ Giã cho chí Cầu Đôi
Nguyền lên Cây Cốc, vạn Gò Bồi giao long.
Cũng hình ảnh ấy đã đi vào bài thơ của Xuân Diệu trong bài “Đêm ngủ ở Tuy Phước” có đoạn:
Nghe bài chòi cụp cắc ở chợ tết Văn Quang
(*)
Ôm cái cột đình, rồng lượn
Khó mà biết được gánh hát có bao nhiêu người. Tôi chỉ biết có hai người nổi bật nhất là chị Phê và anh Sáu Dân, vì họ là người có mặt thường xuyên. Ai muốn tổ chức cho vui thì mời anh Sáu hay chị Phê cũng được, có thể họ đang sinh hoạt vui chơi ở xóm Lò Rèn, mình đến mời, “dắt” về nhà. Thế là họ thu dọn đến ngay. Có lẽ vì vậy mà cái tên “Bạn Bầu Dắt” rất dân gian ấy đã khai sinh từ lúc nào không biết. Hầu như các vùng lân cận cũng có những gánh hát tương tự. Muốn tổ chức một đêm hát, chủ nhà chỉ cần chuẩn bị một ngọn đèn dầu lớn ở giữa sân, thông thường là đèn vung - là nắp đậy nồi cơm, lật ngửa đổ dầu phụng vào rồi đặt vào đó vài cái tim đèn bằng vải cũ, đốt lên thành đèn; nếu có một cây đèn măng-xông thì quý lắm. Hai chiếc chiếu, một cho diễn viên, một làm sân khấu. Thế là đêm hát bắt đầu! Tiếng cắc rụp cắc, tiếng đờn cò, tiếng trống vang lên là lũ trẻ đến ngay, ngồi xung quanh, người lớn đứng vòng ngoài xem hát. Chẳng ai bảo ai mà những tờ giấy bạc cứ lần lượt ném vào cái rổ hoặc cái nón để ở góc chiếu. Quê tôi có câu nói vần:
Bạn Bầu Dắt, xài bạc cắc/Hát lại hay, ai mời cũng tới
Diễn viên đều là nghiệp dư: Anh Sáu Dân, tay trống nổi tiếng, làm nghề kẹo kéo; chị Hai Phê bán mắm ở chợ; cháu Liên đổi nước chè quế; với một số diễn viên khác đều là nông dân chân lấm tay bùn thật sự. Thế mà họ đoàn kết và hăng hái lắm, “nhất hô bá ứng”. Có ai cần hát giúp vui, chỉ cần báo trước một buổi là kỹ lưỡng rồi, gánh hát sẽ đáp ứng ngay. Tiền thù lao độ năm, bảy ký gạo. Chủ nhà hảo tâm thì khi hát xong có nồi chè hay bát cháo khoai là hậu hĩ lắm, vui lắm!
Tuồng tập khá nhiều, nhất là tuồng cổ, lấy từ những chuyện thơ xưa như Lục Vân Tiên, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa. Đôi khi họ cũng hát tuồng Tàu như đoạn Quách Thái Thọ nuôi bà Lý Thần Phi trong lò gạch. Vui nhất là tuồng Nghêu - Sò - Ốc - Hến.
Ban nhạc “cây nhà lá vườn” gồm một tay trống, cây đờn cò và một cái sanh. Anh Sáu Dân luôn có mặt, kể cả những đám tang hay tế lễ. Khi lên sân khấu, ngưng tay trống, anh chỉ cầm cái sanh vừa hát vừa nhịp. Thế mà các em nhỏ và các bà thích lắm. Họ ngồi yên lặng, mắt mở tròn, miệng há hốc theo dõi. Không chỉ hò hát mà họ còn hóa trang bằng những nét rất ấn tượng với hai màu đen trắng: vôi và lọ nồi. Chỉ thế là đủ. Chẳng hạn ở tuồng Nghêu - Sò - Ốc - Hến, ông Xã với hai vệt râu, khi thì vểnh lên, khi thì cụp xuống tùy theo ý trong tuồng; Chàng Ngốc với chấm ghèn trắng ở khóe mắt trông thật ngô nghê đến buồn cười; Thị Hến, một nốt ruồi đen thật to ở khóe miệng, làm tăng vẻ chua ngoa. Đạo cụ tượng trưng nhất cho kỹ thuật hóa trang là chiếc khăn và cây gậy. Trùm Sò với chiếc khăn bắt xéo ngạnh trê tạo nên nét mặt vênh váo của kẻ tiểu nhân; Bà Xã với chiếc khăn lỏng lẻo vắt vai đu đưa phất phơ, đầy chất trai lơ của kẻ dựa dẫm vào quyền uy người khác. Đôi khi có vai công chúa thì cũng với chiếc khăn choàng ngay ngắn hai vai. Bà già thì khăn choàng hầu hoặc chiếc khăn nhỏ gút lại ở giữa làm gói trầu. Tượng trưng cho uy quyền và vũ khí là cây gậy. Gậy cầm một đầu là đao, là kiếm; cây gậy vác vai là gánh, là búa...; gậy quay vòng và múa là đánh nhau. Thật sinh động đến ngộ nghĩnh. Mỗi cách hóa trang khơi dậy trí tưởng tượng của người xem, khiến họ hát đến đâu là khán già hiểu đến đó. Đôi khi gặp những tấn tuồng gay cấn, người xem hò hét biểu lộ tình cảm của mình.
Tuồng tích người xem thuộc nằm lòng, xem rồi xem lại đến mấy lượt cũng không chán. Chẳng đêm hát nào giống đêm nào! Đêm nay ở Lò Rèn, ngày mai trước lăng Nam Hải, hoặc ở bến Vạn. Gặp những lái buôn tâm đắc ở Phan Rang, Phan Thiết, Phú Yên, họ cũng mời Bạn Bầu Dắt xuống ghe hát ngay trên mui thuyền. Người xem ngồi trên bờ sông (cừ đá) vừa hóng mát vừa thưởng thức. Thật thú vị.
Có nhiều câu hát trẻ em nghe là thuộc vì cái vui, cái lạ của nó. Chẳng hạn như bài vè đi chợ: Muốn ăn đi xuống/muốn uống đi lên/ Ăn rẻ mặc bền/ xin mời đi chợ... Đi chợ Gò Bồi, mua tôm mua cá/ Đi chợ Đập Đá, mua gạch tổ ong/ Đi chợ Lòng Sông, mua phểnh mua sú/ Đi chợ Gò Củ, mua mì mua lang/ Đi chợ Đại An, mua xoài mua mít/ Chợ nào đông nghịt/ là chợ Gò Chàm/ Thấy rẻ đừng ham/ mà lên Cây Cốc/ Hàng gỗ hàng mộc, trở về Cây Da...
Xem qua một đêm hát, tất cả những nét văn hóa làng thôn được thể hiện rất rõ. Từ cách tổ chức vừa đơn sơ mà vẫn xôm tụ, lỏng lẻo mà rất nhiệt tình. Nhạc công vừa là ca sĩ kiêm cả kép rằn, kép trắng. Một người kiêm rất nhiều vai. Bạn Bầu Dắt ở quê tôi hoạt động khá mạnh, nhịp nhàng và nhiệt tình! Họ xuất phát từ lòng yêu văn nghệ. Họ tự nguyện, không ai ép buộc và cũng chẳng vì đồng tiền. Người xem được ngồi thoải mái, nghe rõ từng lời ca, giọng hát; nhìn rõ từng nét mặt, từng cái láy mắt của diễn viên. Đối với họ - Bạn Bầu Dắt là hiện thân của làng bài chòi Gò Bồi.
Bạn Bầu Dắt với những lời ca, tiếng hát mang đậm chất dân gian còn là nguồn vui của dân chúng, là nguồn hứng thú sáng tác của các cụ ngày xưa. Những bài vè, bài thơ lục bát ấy được Bạn bầu dắt truyền đạt khắp người dân quê. Những ngày kháng chiến, họ luôn sưu tầm những thơ ca mang chủ trương chính sách của Cách mạng đem phổ biến trong quần chúng. Hình ảnh và công việc hô hát của họ ảnh hưởng đến lớp cần lao và trẻ em. Đây đó từng tốp trẻ cũng tự tụ tập, với những chiếc mũ bằng lá, gậy bằng cành tre chúng cũng bi bô tập hát. Những mầm non văn nghệ cũng từ đó mà ra.
Sau ngày giải phóng, theo đà phấn khởi chung cùng với nhịp sống mới, những đám trẻ trước đây giờ đã trưởng thành lại thành đội văn nghệ nghiệp dư của xã. Tuy họ hát tân nhạc phục vụ cuộc sống, sản xuất, nhưng cái mầm mống từ văn nghệ bài chòi vẫn âm ỉ trong tim. Họ luôn sáng tác những vở ca kịch qua làn điệu bài chòi. Đúng là rượu mới trong bình cũ, cổ kính mà ngon. Ảnh hưởng của bài chòi đã phát xuất từ câu nói quàng, nói vần của các bà, các chị mà biến thành ca dao, tục ngữ và cả hồn thơ, chất thơ. Những câu hát mang âm tiết dân gian ấy đã đi vào câu hò trên sông:
Ghe lui còn để dấu giầm
Nẫu về xứ nẫu âm thầm nhớ thương.
Hoặc:
Khoan khoan ớ bạn chèo đò
Ớ anh cầm lái (để cho tôi) dặn dò mấy câu
Câu thương, câu đợi, câu sầu
Câu tình câu nghĩa một bầu nhớ nhung.


N.P.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét