Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Hai bà mẹ của hai nhà thơ lớn ở đất Gò Bồi

Có lẽ là một câu chuyện hiếm có, ở tiểu thị trấn Gò Bồi (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) này có đến hai bà mẹ từng gắn bó bao công lao và máu thịt với làng quê nhỏ bé và đầy thơ mộng, cùng hai nhà thơ lớn Xuân Diệu và Hàn Mạc Tử. Nơi đây trải qua tuổi thơ của Xuân Diệu và cũng là nơi Hàn Mặc Tử đã sống những ngày đau thương cùng mẹ.

  • Thân mẫu nhà thơ Xuân Diệu

Bà Nguyễn Thị Hiệp.

Tiểu thị trấn Gò Bồi nằm dọc theo dòng sông Gò Bồi, một chi nhánh thuộc dòng Hà Thanh. Gò Bồi thời xưa đẹp và sầm uất đã để lại bao nhiêu hình ảnh với khách thơ:

Mai chiều lưới gõ đều tay nhịp
Sớm tối thuyền câu thoảng giọng hò.

Chiều dài dãy phố không dài lắm, chừng một cây số, nhà cửa san sát: nhà lầu, nhà ngói, nhà tranh chen nhau soi mình trong bóng nước khiến Gò Bồi nên thơ.

Vào những đêm trăng – trăng soi bóng xuống nước, nước gợn sóng lăn tăn, mặt sông như dát vàng, bóng những con thuyền in xuống dòng sông khiến dòng sông trở nên lung linh huyền ảo. Phải chăng đất thơ đã sinh ra nhà thơ? Nhà thơ tình Xuân Diệu đó. Có lẽ cũng từ những chất thơ của miền đất nhỏ này đã thấm vào hồn Xuân Diệu khiến ông trở thành nhà thơ tình nổi tiếng chăng?

Cuộc tình của thân mẫu nhà thơ Xuân Diệu cũng đầy thơ mà cũng nhiều nước mắt. Mối tình bắt đầu từ một buổi chiều có một người khách lạ ăn mặc toàn màu đen bước lên bến chợ Gò Bồi. Ông Tú, người đàn ông đó, ngơ ngác nhìn quanh có ý dò hỏi tìm người quen và nơi ở trọ để mở trường dạy học. Có lẽ trời xui đất khiến cho bà Nguyễn Thị Hiệp (thân mẫu nhà thơ Xuân Diệu) gặp ông.

Cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên và tình cờ này khiến cho họ quen nhau. Bà Hiệp dang dở một đời chồng trở về quê sống với mẹ. Bao nhiêu đau khổ bị dồn nén, bỗng nhiên bà gặp ông đồ nho xa nhà mưu sinh, họ gặp nhau và quen nhau nhanh chóng.

Rồi nơi xóm Than bên kia sông là nơi ông đồ dạy học và cũng là nơi những đêm trăng với những cuộc hát hò giã gạo. Họ gặp nhau, ông đồ làm cố vấn cho bên nam, bày những câu hát đáp lại mà bên nữ lại là bà Hiệp. Những câu hò qua, đáp lại khiến họ càng gần gũi và say mê nhau hơn.

Những câu hát tình tứ tương tự, cứ dần dần gắn bó đôi trai tài gái sắc. Họ say mê nhau và trở nên vợ chồng.

Xuân Diệu là đứa con đầu lòng chào đời sống nơi quê ngoại.

Sau đó mấy năm thì bà vợ nhà từ đất Nghệ vào, cuộc tình tan vỡ, Xuân Diệu về ở với cha dạy học ở Collège. Thân mẫu nhà thơ Xuân Diệu ở lại Gò Bồi với mẹ, nỗi buồn thương đã khiến bà càng đau khổ.

Ngoài nỗi đau lìa chồng, bà còn chịu nỗi xót xa vì xa con. Thế mà bà vẫn chịu đựng chờ đợi, hàng tháng bà lại đi thăm con một lần ở Quy Nhơn. Mãi đến khi Xuân Diệu thành tài, nỗi đau thương dường như giảm đi ít nhiều khi hàng năm Xuân Diệu lại về thăm mẹ vào dịp giỗ ông ngoại.

Tiếp đến là những ngày kháng chiến gian khổ, Xuân Diệu ra Bắc, bà Hiệp ở lại miền Nam theo kháng chiến. Năm 1954 bà tập kết ra Bắc sống với Xuân Diệu. Cuộc hội ngộ sau mười năm xa cách đã đền bù phần nào nỗi buồn mấy mươi năm xa con, được gần con, chăm sóc cho con thật là hạnh phúc.

Thời gian sống với Xuân Diệu ở miền Bắc quả là những ngày hạnh phúc nhất. Bà từ giã cõi đời vào cuối năm 1969 và đến năm 1980 cụ được con trai là Xuân Sanh đem hài cốt về quê.

  • Bà Nguyễn Thị Duy - Mẹ Hàn Mặc Tử

Thân mẫu của nhà thơ Hàn Mặc Tử tuy không được sinh ra ở Gò Bồi nhưng đã gắn bó với Gò Bồi từ năm 1938 – 1939 cho đến cuối đời và thân xác bà còn gởi lại nơi đây.

Khi các con đã lớn, Hàn Mặc Tử và anh chị em đều có cuộc sống riêng, từ sau năm 1945, những ngày Hàn Mặc Tử vào Nam theo đuổi sự nghiệp văn chương Hàn thương nhớ mẹ lắm. Hàn có bài thơ “Giang hồ nhớ mẹ”, bài thơ được nhắc đến trong quyển “Tìm chân dung Hàn Mặc Tử của Phạm Xuân Tuyển”. Rất tiếc bài thơ không còn mặc dù chúng tôi tìm nhiều tài liệu nhưng chưa phát hiện ra.

Bà Nguyễn Thị Duy

Được biết, bà Nguyễn Thị Duy đã tìm về trú ngụ tại đầu thôn Tùng Giản, tức là Gò Bồi, một xóm quê hẻo lánh. Bà ở nhà ông Câu Bảy, một viên chức trong họ đạo công giáo.

Ông Câu Bảy khá giàu, nhà ngói lớn kiểu mới, trước nhà có một ao sen, trước ao sen là dòng sông Gò Bồi, dòng sông về phía thượng lưu tuy hơi nhỏ nhưng rất đẹp. Từ nhà bước ra sông là bến Chuông, cái làng ven sông này tĩnh lặng và toàn là người theo đạo Thiên Chúa. Để mưu sinh, thân mẫu nhà thơ Hàn Mặc Tử làm nghề buôn bán đồ cổ.

Năm 1939, khi Hàn Mặc Tử phát hiện ra mình có bệnh phong (bệnh hủi), được tin ở Gò Bồi có một ông thầy thuốc nam chuyên trị bệnh này, thế là Hàn cũng về trú ngụ với mẹ để chữa bệnh.

Thời ấy bệnh phong là một trong bốn trọng bệnh: “phong, lao, cổ, lại”. Bệnh phong được xếp hàng đầu vì sự lây lan, thành kiến ấy khiến Hàn về ở đây nhưng ít khi xuất hiện, nhiều khi trốn chui nơi túp lều về phía cuối vườn nhà. Người chăm sóc cho Hàn không ngoài ai ra, đó chính là mẹ. Bà đã ngày ngày cơm cháo thuốc thang cho Hàn. Sự hy sinh vô bờ bến ấy chỉ có những người trong gia đình mới biết. Bệnh ngày càng nặng, Hàn Mặc Tử trở lại Quy Hòa và mất.

Thân mẫu Hàn Mặc Tử vẫn tiếp tục ở lại Gò Bồi, ngày ngày ra bến Chuông, nhìn về phía Quy Nhơn để tưởng nhớ đến người con bất hạnh. Bà sống cuộc đời âm thầm. Mãi đến năm 1949 – 1950, nhà thơ họa sĩ Phạm Hổ đã về đây mở lớp hội họa, chúng tôi theo học và thường gặp nhau tại nhà ông Câu Bảy để thưởng thức trà sen và bàn luận về văn chương, hội họa. Mỗi lần hội họp chúng tôi được bà cho uống trà sen. Bà thường ngồi bên cạnh về phía xa, lắng tai nghe, mỗi lần nhắc đến Hàn Mặc Tử là đôi mắt bà sáng lên vui sướng.

Trà sen được ướp ngay tại chỗ, trà được bỏ vào lòng hoa lấy dây túm miệng lại. Mỗi lần pha trà thì bơi sõng ra hồ, cắt cả hoa lẫn trà về pha. Trà thơm hương sen thoang thoảng, khiến đêm đêm bàn luận văn chương thêm lãng mạn. Thời kháng chiến mà chơi như thế là quá lắm nên anh em thường rỉ tai nhau giữ kín việc thưởng thức trà sen như một khuyết điểm.

Bà mất năm 1951 trong âm thầm, chúng tôi cũng không hay biết gì nên cũng chẳng đến thăm viếng hay đốt một nén hương. Mãi về sau này, sau năm 1958 – 1959, chúng tôi mới có dịp nhắc đến Hàn và nhắc đến bà. Nấm mồ nhỏ nhắn của bà được xây bên kia bờ sông, hướng mộ quay về bến Chuông như một nỗi niềm luyến tiếc

NGUYỄN PHÚC LIÊM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét