Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Mắm Vạn Gò Bồi

Bình Định cạnh biển Đông, có đầm Thị Nại, cá tôm phong phú. Câu ca vùng này đã nói: “Cá nục gai bằng hai nục vọng/ Vợ chồng nghĩa trọng nhơn nghĩa tình thâm/ Xa nhau muôn dặm cũng tầm/ Gặp nhau hớn hở tay cầm lời trao”.

Nghề làm nước mắm cũng theo đó mà phát triển. Tuy không như nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết...nhưng nước mắm Vạn Gò Bồi cũng mặn mà không kém: “Gò Bồi có nước mắm thơm/ Ai đi cũng nhớ cá tôm Gò Bồi.” “Nước mắm Gò Bồi, trã nồi An Thái”, đó chính là hai đặc sản mà nhân dân so sánh với nhau. Chính nước mắm Gò Bồi đã làm nên cái duyên mặn mà, kết nguyền tình nghĩa của các đôi nam nữ: “Ai về dưới Vạn Gò Bồi/ Bán mắm, bán cá lần hồi thăm em”.

Xuân Diệu khi hồi tưởng nhớ về quê ngoại không thể nào quên được: “Ôi, tôi mang sẵn cất sâu thay/ Từ lúc má tôi đẻ tôi ra ở Vạn Gò Bồi làm nước mắm/ Một hạt muối trong tim dể mặn với tất cả những gì đằm thắm...” Tình nghĩa người miền ngược với người miền xuôi càng thêm thắt chặt qua những sản phẩm của biển cả, đầm hồ này: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên.” Đó là những cái ăn, dẫu không bằng “ăn Bắc, mặc Kinh” nhưng cũng lắm điều thú vị, phong phú mà ở đây không thể kể ra hết.

1 nhận xét:

  1. Nghề làm nước mắm Gò Bồi nổi tiếng từ xưa. Bây giờ mai một nhiều do điều kiện thiên nhiên thay đồi, cửa sông bị bồi lắp tàu bè lớn không được vào trong vạn như thời Xuân Diệu nữa. Ở Gò Bồi vẫn còn một gia đình làm nước mắm nổi tiếng từ xưa đó là nhà ông Hai Kính( gần nhà thờ Vinh Thạnh). Những gia đình làm nước mắm nổi tiếng trước đây ở Gò Bồi đa phần đều chuyển nghề hoặc di cư lên nơi khác tiếp tục làm ăn, trong đó nhiều nhất là ở Huyện Phù Cát có thương hiệu nước mắm Mười Thu, Gia Cát... Ai đó nói rằng nước mắm Phú Quốc hay Phan Thiết là ngon nhưng với mình nước mắm Gò Bồi là số 1. Cảm ơn bạn Nguyễn Hoàng rất nhiều vì đã tập hợp những bài viết thật hay về Gò Bồi quê ta!
    Cu Líp

    Trả lờiXóa